Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến mà hàng triệu người trên thế giới phải đối mặt mỗi năm, với các triệu chứng như đau, ngứa và chảy máu ở vùng hậu môn.
1. Bệnh trĩ là gì?
Mọi người thường phát hiện ra có khối ở hậu môn khi đi ngoài, hoặc khối ở ngoài rìa hậu môn
Đó là tình trạng tăng áp lực đám rối tĩnh mạch nằm trong lớp dưới của niêm mạc trong trường hợp rặn khi đi đại tiện, sự tích tụ máu liên tục sẽ gây phình giãn và dẫn đến hình thành các búi trĩ bên trong lòng ống hậu môn. Khi con người già đi, cấu trúc mô liên kết nâng đỡ yếu đi và các búi trĩ có thể bắt đầu sa khỏi lỗ hậu môn dẫn đến bệnh trĩ nội sa.
2. Phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ có 2 loại chủ yếu là trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids).
- Trĩ ngoại là trường hợp búi trĩ phát triển phía dưới đường lược, hay còn gọi là đường hậu môn – trực tràng. Búi trĩ này được bao phủ bởi lớp biểu mô vảy và nằm ngay dưới lớp da quanh hậu môn.
- Trĩ nội hình thành phía trên đường lược, được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp.
Phân độ bệnh trĩ dựa trên mức độ phát triển của búi trĩ, bao gồm việc búi trĩ vẫn còn nằm trong ống hậu môn hay đã sa ra ngoài.
- Trĩ độ 1: Búi trĩ hoàn toàn nằm bên trong ống hậu môn và không sa ra ngoài.
- Trĩ độ 2: Búi trĩ thường nằm trong ống hậu môn nhưng có thể thập thò, sa ra ngoài ít khi rặn đi đại tiện, tự thụt trở lại khi đi ngoài xong và đứng lên.
- Trĩ độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi đại tiện, di chuyển nhiều, khi ngồi xổm hoặc làm việc nặng. Lúc này, người bệnh trĩ cần phải nằm nghỉ hoặc dùng tay đẩy nhẹ để quay trở lại vị trí ban đầu.
- Trĩ độ 4: Búi trĩ thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.
3. Các yếu tố gây bệnh trĩ
- Táo bón hoặc tiêu chảy có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, rặn khi đi vệ sinh có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch dẫn đến sự căng giãn và ứ máu.
- Một chế độ ăn uống thiếu chất xơ cũng góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trĩ.
- Thừa cân và béo phì cũng là các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh trĩ.
- Công việc yêu cầu lao động nặng như khuân vác hoặc vận động viên các môn thể thao (như cử tạ và quần vợt), cũng như các hoạt động đòi hỏi đứng hoặc ngồi lâu (như làm thư ký hay thợ may, nhân viên bán hàng) cũng làm tăng áp lực trong ổ bụng, từ đó cản trở sự hồi lưu máu về tim và gây ra sự giãn tĩnh mạch hậu môn, đây cũng là yếu tố gây bệnh trĩ.
- Các khối u ở vùng tiểu khung như u đại trực tràng, u tử cung hoặc trong trường hợp thai nhiều tháng cũng làm cản trở quá trình hồi lưu máu về tim dẫn đến sự giãn nở của các tĩnh mạch, tăng nguy cơ phát triển trĩ vì những yếu tố này.
4. Nguyên nhân bệnh trĩ
Các tĩnh mạch quanh khu vực hậu môn thường bị căng khi chịu áp lực dẫn đến tình trạng sưng phồng hoặc xung huyết. Búi trĩ hình thành khi có sự gia tăng áp lực trong phần trực tràng dưới do các yếu tố sau:
- Rặn mạnh khi đi đại tiện.
- Ngồi quá lâu trên bồn cầu.
- Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Béo phì.
- Mang thai.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Chế độ ăn thiếu chất xơ.
Nguy cơ mắc bệnh trĩ gia tăng theo tuổi tác do cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn dần suy yếu và mất độ đàn hồi.