LIỆT NỬA NGƯỜI – TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

Liệt nửa người là tình trạng một bên cơ thể suy yếu, đau tê nửa người bên phải hoặc bên trái phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương khi đột quỵ hoặc các nguyên nhân khác. 

Bệnh nhân bị tai biến liệt nửa người thường sẽ phục hồi tốt trong 3 tháng đầu, phục hồi chậm hơn trong 3 tháng tiếp theo và ngoài 6 tháng sẽ phục hồi rất chậm. Do đó, ngay khi xảy ra các triệu chứng tai biến người bệnh cần đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời, nâng cao tỷ lệ phục hồi.

Các biện pháp phục hồi tai biến liệt nửa người

1. Áp dụng bài tập phục hồi chức năng tích cực

  • Tại các cơ sở chữa bệnh luôn có phòng phục hồi chức năng với những bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn sâu và thiết bị chuyên dụng giúp quá trình phục hồi của người bệnh an toàn và nhanh chóng hơn.
  • Tập luyện các bài tập phục hồi chức năng sớm sẽ giúp người bệnh có thể thực hiện được các hoạt động sinh hoạt thường ngày một cách nhanh chóng và chủ động hơn. Thời gian thích hợp nhất để luyện tập là trong vòng 3 tháng hoặc 6 tháng ngay khi phát bệnh (khoảng thời gian phục hồi chức năng não tốt nhất).

2. Bài tập phục hồi thụ động

Là bài tập được áp dụng khi người bệnh không thể tự mình vận động được, cần có sự giúp đỡ hoàn toàn từ người khác. Bài tập bao gồm các động tác như xoay khớp, co duỗi chân, tay,… Với bài tập này, người bệnh nên được thực hiện từ 2 – 4 lần/ngày.

3. Kết hợp, duy trì tập luyện tại nhà

Người thân nên giúp đỡ, cùng tham gia vào quá trình phục hồi tai biến liệt nửa người của người bệnh: Hỗ trợ người bệnh tự đánh răng, rửa mặt, ăn uống,… Như vậy sẽ giúp cho người bệnh vừa chăm chỉ tập luyện, vừa khiến tâm trạng của họ thoải mái, vui vẻ, an tâm, không có cảm giác mình bị vô dụng, cô đơn.

4. Châm cứu, bấm huyệt

Sử dụng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp giúp lưu thông khí huyết, kích thích ngược hệ thần kinh, góp phần phục hồi liệt. Tuy nhiên, với những người đã chuyển sang liệt cứng nửa người cần phải thận trọng khi sử dụng các phương pháp này vì có thể sẽ làm tăng thêm tình trạng co cứng, do vậy, cần bác sĩ có chuyên môn tốt, đánh giá và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp

5. Sử dụng thảo dược hỗ trợ

Người bệnh có thể sử dụng sản phẩm thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên tăng cường dẫn truyền thần kinh và chống gốc tự do, giúp tăng cường lưu thông máu, bổ sung dinh dưỡng cho não bộ và phá tan cục máu đông. Kèm theo đó, người dùng sử dụng thuốc đông y giúp nâng cao sức khỏe của người bệnh, cơ khỏe hơn, cải thiện tình trạng liệt nửa người cho người bệnh.

Phòng khám Y học cổ truyền Hải Yến kết hợp bài thuốc cổ phương và bài thuốc kinh nghiêm điều chế từ các thảo dược đạt an toàn dược phẩm, điều chế ra thuốc đông y điều trị liệt nửa người

THUỐC ĐÔNG Y VIÊN UỐNG
Sử dụng Tiện lợi, an toàn, lành tính, kinh tế
Công thức chế biến đặc biệt, tác dụng nhanh, mạnh gần tương đương thuốc sắc đông y.
Bào chế thảo dược chuẩn, sạch, không chất bảo quản, không pha trộn thuốc Tây y.

Sự kết hợp của châm cứu, vật lý trị liệu và thuốc đông y giúp tác động vào cả 3 nguyên nhân sâu xa gây suy giảm chức năng não là:

  • Giúp tăng cường chất dinh dưỡng, cung cấp các loại vi chất hữu cơ từ thực vật cần thiết cho sự phát triển của tế bào não
  • Giúp tăng cường tuần hoàn não máu, phá tan các cục máu đông
  • Giúp tăng cường dẫn truyền thần kinh cho các tế bào não bộ.
  • @bacsi_haiyen.yhct

    Người bệnh di chứng tai biến mạch não sau 20 ngày trị liệu đi được 3 vòng đường tập đi #yhoccotruyenHaiYen #taibienmachnao #chamcuu

    ♬ Windy Hill – 羽肿

Phòng ngừa bệnh liệt nửa người

Do nguyên nhân chính của liệt nửa người là tình trạng đột quỵ nên khả năng lường trước gần như là không thể. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Tập thể dục hằng ngày để duy trì một sức khỏe tốt
  • Lựa chọn giày dép phù hợp với điều kiện môi trường
  • Ngủ đủ giấc và ngủ sâu
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, giàu rau xanh, trái cây nhiều vitamin, hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ
  • Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia

Với người bị liệt nửa người do tai biến cần được cung cấp thực phẩm đầy đủ và cân bằng giữa các chất béo, protein và carbohydrate. Bệnh nhân nên ăn những món ăn ở dạng mềm, lỏng, tốt cho hệ tiêu hóa và dễ dàng hấp thụ. Một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh đó là cá, thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, hoa quả tươi. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế ăn muối, chất béo và các loại chất kích thích khác gây hại cho cơ thể như cà phê, rượu bia, thuốc lá,…

Như vậy phục hồi sau tai biến liệt nửa người là một quá trình lâu dài, cần phải có sự kiên trì, tinh thần lạc quan của người bệnh và kết hợp thực hiện các phương pháp điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ đem lại những hiệu quả tích cực.

Các bài tập xoa bóp bấm huyệt – Phục hồi chức năng cho người bệnh tai biến liệt nửa người tùy vào mỗi giai đoạn bệnh

1. Giai đoạn nằm trên giường

Mục tiêu

+ Dự phòng các bệnh tật thứ phát
+ Bệnh nhân tự làm được một số hoạt động tự phục vụ trên giường
+ Tự lăn trở mình và tiến tới tự ngồi dậy được và ra khỏi giường sớm khi điều kiện sức khỏe cho phép.

Biện pháp

+ Tiến hành phục hồi chức năng sớm, ngay từ khi các triệu chứng của đột quỵ não ổn định không còn tiến triển nặng thêm, bằng các biện pháp dự phòng bệnh lý thứ phát như đã trình bày ở trên.

+ Tư thế nằm để làm giảm co cứng: nửa người phía bên liệt hướng ra ngoài, đầu ở tư thế bình thường hoặc nghiêng sang bên liệt, tay liệt duỗi thẳng dạng 30-45 độ, cẳng tay duỗi, bàn và các ngón tay duỗi và xoay ngửa. Chân bên liệt dạng 5-10 độ, đệm một gối ở khoeo để gập gối nhẹ, bàn chân để vuông góc với cẳng chân và nghiêng ra ngoài 15 độ, có thể cần dùng kỹ thuật tạo thuận để khắc phục co cứng.

 tư thế nằm đúng của bệnh nhân liệt nửa người do đột quỵ não.

+ Bước đầu cần tập thụ động các động tác của chi liệt hết tầm vận động. Hướng dẫn và khuyến khích bệnh nhân tự tập các động tác ở chi lành.

+ Hướng dẫn bệnh nhân dùng chi lành đỡ chi liệt để tự tập cả hai chi

+ Hướng dẫn và khuyến khích bệnh nhân tập tự trở mình sang bên liệt, tập tự trở mình sang bên lành:

– Tập tự trở mình sang bên liệt: dùng tay lành đặt tay liệt dọc theo thân mình, cánh tay liệt dạng 450, đưa chân lành qua phía trên chân liệt, dùng tay lành bám vào thành giường bên liệt, dùng sức cơ tay lành và thân người bên lành để lật nghiêng sang bên liệt. Chú ý không để thân người đè lên tay bên liệt.

– Tập tự trở mình sang bên lành: dùng tay lành đặt tay liệt lên người vắt qua bụng, dùng bàn chân lành luồn xuống dưới cổ chân liệt. Bám tay lành sang thành giường phía bên lành, dùng sức tay lành và thân người bên lành để lật người sang bên lành.
Hướng dẫn và khuyến khích bệnh nhân tự trồi lên hoặc tụt xuống trên giường ở tư thế nằm ngửa bằng dùng sức cơ tay chân bên lành.

+ Tập làm tăng sức mạnh cơ bên lành: cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các dụng cụ tạo sức cản, tập làm cầu vồng nâng mông lên khỏi giường bằng cả chân lành và chân liệt.

+ Hướng dẫn bệnh nhân tập thở bụng, thở ngực, ho khạc. Có thể phối hợp các kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực để làm long đờm. Nếu có chỉ định và sức khỏe bệnh nhân cho phép có thể dụng kỹ thuật dẫn lưu tư thế để loại đờm ra khỏi đường hô hấp khi có ứ đọng đờm.

+ Khi sức khỏe cho phép, hướng dẫn bệnh nhân tự ngồi dậy:

– Ngồi dậy từ bên lành: dịch người ra gần thành giường phía bên lành, tự lật người sang bên lành, dùng chân lành (ở dưới chân liệt) đưa cả chân lành và chân liệt ra khỏi thành giường. Dùng tay lành chống khuỷu tay xuống giường nâng người ngồi dậy.

– Ngồi dậy từ bên liệt: dịch người ra gần thành giường phía bên liệt, tự lật người sang bên liệt, dùng chân lành đưa cả chân lành và chân liệt ra khỏi thành giường. Dùng tay lành chống xuống giường phía bên liệt để nâng người ngồi dậy.

– Ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa: dùng một dây buộc vào cuối giường để kéo người ngồi dậy

+ Tập ngồi giữ thăng bằng. Để ngồi được vững cần ngồi trên giường cứng không có đệm, hai bàn chân được đặt trên một ghế vững chắc, có tay vịn cho bệnh nhân phía bên lành: tập ngồi cân bằng, tập ngồi nghiêng sang bên lành, tập ngồi nghiêng sang bên liệt, tập đung đưa sang bên lành, sang bên liệt.

Mỗi ngày tập 1-2 lần, mỗi lần 30 phút, khuyến khích bệnh nhân chủ động, chỉ hỗ trợ khi cần thiết và giảm sự hỗ trợ càng sớm càng tốt, tập từ dễ đến khó không nôn nóng đốt cháy giai đoạn, mỗi động tác cần lặp lại nhiều lần để tạo phản xạ.

2. Giai đoạn rời khỏi giường

Mục tiêu

+ Giúp bệnh nhân có thể di chuyển và tự đi lại được
+ Giúp bệnh nhân tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tự phục vụ được mình.
+ Giúp bệnh nhân tthích nghi được với các di chứng còn lại và hòa nhập với gia đình và xã hội.

Nguyên tắc

+ Cần kiên trì, từng bước, chủ động của bệnh nhân là chính, giảm dần sự trợ giúp càng sớm càng tốt.
+ Tập toàn diện, chú ý đến toàn bộ cơ thể, tập cân xứng cả hai bên
+ Sử dụng kỹ thuật kích thích hoặc ức chế phản xạ để đưa trương lực cơ trở lại gần bình thường. Ức chế các mẫu vận động bất thường, khôi phục các mẫu vận động bình thường bằng các kỹ thuật tạo thuận trước khi thực hiện vận động.
+ Tập vận động theo cách mà trước khi liệt bệnh nhân đã làm với các mẫu bình thường hoặc giống như trẻ em tập lẫy, tập bò, tập đứng rồi tập đi.
+ Sử dụng các dụng cụ trợ giúp cần thiết, cải tiến các dụng cụ và điều kiện sống để người bệnh có thể thực hiện được các hoạt động sinh hoạt, hội nhập và thích nghi với các di chứng còn lại.

Một số kỹ thuật

+ Kỹ thuật tạo thuận ức chế mẫu co cứng: vận động xương bả vai, đai vai lên trên ra trước. Dạng và xoay khớp vai ra ngoài. Duỗi khớp khuỷu, xoay ngửa cẳng tay. Duỗi khớp cổ tay. Duỗi và dạng ngón tay và các ngón khác. Làm dài thân mình phía bên liệt. Vận động hông liệt xuống dưới ra trước. Gấp, dạng, xoay khớp háng ra ngoài. Gấp khớp gối, khớp cổ chân, xoay nghiêng bàn chân ra ngoài. Duỗi, dạng các ngón chân.

+ Duy trì vận động bên lành: đột quỵ não là dạng tổn thương thần kinh trung ương, không chỉ nửa người đối diện bên bán cầu não tổn thương bị liệt, mà nửa người bên lành cũng bị ảnh hưởng một phần. Do đó vận động bên lành giúp cải thiện chất lượng vận động, làm mạnh sức cơ, hạn chế tác hại của tình trạng giảm động. Vận động bên lành còn giúp não bệnh nhân “học lại ý tưởng vận động”, các xung động thần kinh từ ngoại vi lên não có tác dụng kích thích phục hồi các mẫu vận động đã bị ức chế hoặc bị mất đi do tổn thương não. Vì vậy, phải tập vận động chủ động bên lành, không áp dụng hình thức vận động thụ động, phải tập hết tầm vận động của khớp, nâng dần mức độ như sức cản, các động tác phối hợp vận động, các hoạt động tinh tế. Tập ở tất cả các tư thế nằm, ngồi, đứng, đi tùy theo khả năng của người bệnh.

+ Phục hồi vận động bên liệt:

– Vận động thụ động khi bệnh nhân không tự làm được, cần sự trợ giúp hoàn toàn của người khác, bao gồm các động tác cơ bản của các khớp (gập, duỗi, dạng, khép, xoay) nên bắt đầu từ gốc chi đến ngọn chi, cố gắng tập hết tầm vận động của khớp, nên tập từ từ để đạt tầm vận động tối đa, tránh đột ngột dễ gây tăng co cứng cơ. Trong lúc tập, khuyến khích bệnh nhân tưởng tượng và cố gắng chủ động tập theo, có tác dụng khôi phục lại ý tưởng vận động của não. Duy trì tập thụ động mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần 30 phút đến 1 giờ cho đến khi xuất hiện co cơ chủ động thì giảm dần trợ giúp, khuyến khích bệnh nhân tự tập.

– Vận động chủ động có trợ giúp. Khi bệnh nhân đã có thể thực hiện được một phần động tác theo ý muốn hoặc theo mệnh lệnh, cần khuyến khích bệnh nhân tự tập tối đa, sau đó người trợ giúp có thể hỗ trợ để bệnh nhân tập hết tầm vận động, càng giảm dần trợ giúp càng tốt. Có thể người bệnh tự dùng bên lành trợ giúp bên liệt, nhưng vẫn phải duy trì nguyên tắc bên liệt cần chủ động tối đa, cũng có thể dùng một dụng cụ trợ giúp. Bệnh nhân cần tập đi tập lại một động tác nhiều lần để tạo thành phản xạ.

– Vận động chủ động. Khi bệnh nhân đã có thể chủ động hoàn toàn để thực hiện một động tác thì cần loại bỏ sự trợ giúp. Giai đoạn này sự cố gắng, chủ động của bệnh nhân có tính quyết định, cần khuyến khích bệnh nhân tập tăng tiến từ các động tác đơn giản đến phức tạp và lặp đi lặp lại nhiều lần.

+ Sử dụng các dụng cụ trợ giúp: trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng một số dụng cụ trợ giúp để giúp người bệnh thực hiện được động tác tối đa. Dụng cụ trợ giúp chỉ mang tính tạm thời và cần giảm dần dụng cụ trợ giúp khi vận động của bệnh nhân tiến triển tốt. Dụng cụ trợ giúp bao gồm: các dây treo như dây treo tay, dây kéo để giữ bàn chân vuông góc với cẳng chân. Các loại nẹp như nẹp cẳng tay bàn tay để khắc phục mẫu co cứng, nẹp gối trong trường hợp đầu gối ưỡn quá mức. Các loại nạng như nạng 4 chân, nạng tay, nạng nách, khung tập đi, thanh song song tập đi. Gậy chống. Xe lăn.

 Các bài tập di chuyển

+ Tập di chuyển từ tư thế ngồi trên giường sang ghế hoặc xe lăn. Lúc đầu cần sự trợ giúp, người trợ giúp đứng trước bệnh nhân, vòng hai tay dưới nách ra sau bệnh nhân, bệnh nhân vòng hai tay qua vai người trợ giúp, dùng tay lành nắm tay liệt ôm lấy gáy người trợ giúp. Bệnh nhân chủ động dùng sức của bên lành và bên liệt để di chuyển, người trợ giúp chỉ hỗ trợ, về sau giảm dần sự trợ giúp để bệnh nhân tự di chuyển. Chú ý mặt ghế, mặt giường hoặc mặt xe lăn nên cùng một mặt phẳng để dễ di chuyển. Xe lăn cần được cài phanh vững chắc, cần tập lặp đi lặp lại nhiều lần cho thuần thục.

+ Tập đứng dậy trong thanh song song: bệnh nhân ngồi trên ghế vững chắc đặt giữa hai thanh song song, nếu ngồi trên xe lăn tay thì trước hết phải phanh hai bánh xe vững chắc. Lần đầu có thể dùng vài chiếc gối đệm cho ghế cao hơn, như vậy bệnh nhân dễ đứng dậy hơn. Các lần sau bỏ dần đệm để bệnh nhân có thể đứng dậy từ vị trí ngồi thấp hơn. Bệnh nhân cần dùng tay không liệt nắm chặt thanh song song, dùng sức của cả bên lành và bên liệt để đứng lên và ngồi xuống.

+ Tập ở tư thế đứng trong thanh song song: tập đứng và giữ thăng bằng trong thanh song song với sức nặng cơ thể dồn đều lên hai chân. Lúc đầu cần dùng tay không liệt để giữ chắc vào thanh song song, về sau không cần nữa. Tập đứng và dồn trọng lượng cơ thể sang từng chân, nếu đầu gối ưỡn quá mức, cần dùng một nẹp ngắn hoặc dài để giữ cho đầu gối chân liệt được vững chắc.

+ Tập đi trong thanh song song: khi bệnh nhân có đủ sức mạnh và thăng bằng, bệnh nhân cần tập đi trong thanh song song và dùng tay không liệt để giữ cho vững chắc.

– Bước 1: trụ lên chân liệt, bước chân lành lên, gót chân lành ngang mũi chân liệt, rồi dồn trọng lượng sang chân lành. Sau đó dồn trọng lượng sang chân liệt, rồi lùi chân lành về ngang chân liệt. Đổi lại, dồn trọng lượng lên chân lành, bước chân liệt lên, gót chân liệt ngang mũi chân lành, dồn trọng lượng lên chân liệt. Sau đó, dồn trọng lượng lên chân lành, đưa chân liệt về ngang chân lành.

– Bước 2: trụ lên chân liệt, bước chân lành lên, gót chân lành ngang mũi chân liệt, rồi trụ lên chân lành, bước chân liệt lên ngang mức chân lành. Tiếp theo, trụ lên chân lành, bước chân liệt lên, gót chân liệt ngang mũi chân lành, rồi dồn trọng lượng lên chân liệt và bước chân lành lên ngang chân liệt.

– Bước 3: trụ lên chân liệt, bước chân lành lên, gót chân lành ngang mũi chân liệt, dồn trọng lượng lên chân lành, bước chân liệt lên trước chân lành gót chân liệt ngang mũi chân lành, tiếp tục như vậy để bước đi.

+ Tập đi ngoài thanh song song

Sau khi đã có thể đi tương đối thuần thục trong thanh song song, bắt đầu tập đi ngoài thanh song song. Tùy tình trạng bệnh nhân mà sử dụng khung tập đi, nạng 4 chân, nạng nách.

– Cách đi thứ nhất: tay không liệt với nạng đưa tới trước khoảng 15cm và sang bên 20cm, bệnh nhân dựa trên cây chống và chân liệt, bàn chân không liệt bước tới trước bằng độ dài một bàn chân, gót ngang ngón của bàn chân liệt, đưa bàn chân liệt tới trước ngang với bàn chân kia.

– Cách đi thứ hai. Tay không liệt và đầu nạng tới trước, đầu nạng cách ngón của bàn chân không liệt một nửa bàn chân về phía trước và sang bên 15cm. Bàn chân liệt đưa tới trước, gót chân liệt ngang với ngón của bàn chân không liệt. Chuyển sức nặng cơ thể lên nạng và chân liệt, bàn chân không liệt bước tới trước bàn chân liệt, gót ngang với ngón của bàn chân liệt.

– Cách đi thứ ba. Đi theo hai trụ, cách đi này ít vững chắc nhưng hiệu quả cao. Bệnh nhân tập cách đi này khi giữ được thăng bằng tốt hơn. Bắt đầu dồn sức nặng cơ thể lên chân liệt và nạng, bàn chân không liệt tới trước, gót ngang với ngón của bàn chân liệt. Dồn sức nặng cơ thể lên chân không liệt, nạng và bàn chân liệt đồng thời đưa tới trước.

+ Tập đi trên địa hình phức tạp, đường gồ gề, đường dốc, tập ngã, tập ngồi dậy và đứng dậy từ tư thế nằm.

+ Tập lên xuống cầu thang: lên cầu thang. Tay không liệt nắm chặt lan can cầu thang, dồn trọng lượng lên chân liệt, bước chân lành lên trước, rồi dồn trọng lượng lên chân lành, đưa chân liệt lên cùng bậc với chân lành. Tiếp tục như vậy để bước lên. Nếu không có lan can cầu thang thì tay không liệt cầm nạng, người trợ giúp đứng phía sau. + Tập xuống cầu thang: nên đi giật lùi bằng cách đưa bàn chân liệt xuống trước sau đó đưa nạng xuống ngang bậc chân liệt. Trụ lên nạng và chân liệt, đưa chân không liệt xuống cùng bậc. Người trợ giúp đứng phía dưới. Khi đủ sức mạnh thì có thể đi xuống bằng cách quay mặt theo hướng đi, chân liệt xuống trước và chân không liệt xuống sau.

+ Những điểm cần chú ý khi tập đi: nếu bệnh nhân có chân bị liệt cứng trầm trọng thì thường khi đứng lên, chân liệt sẽ co lại, đó là cử động không tự chủ và đôi khi bệnh nhân không biết chân bị co rút. Những bệnh nhân này khi đứng lên cần chờ một chút rồi mới bước đi. Hạn chế dùng nẹp, trừ khi đầu gối bị ưỡn quá mức hoặc không vững chắc. Người liệt nửa người có xu hướng ngã về phía bên liệt, nên người trợ giúp cần đi ở phía bên liệt của bệnh nhân. Cần nhắc cho bệnh nhân biết khi có một người đi ngang qua phía trước thì người liệt cần dừng lại, chờ cho họ đi qua rồi mới tiếp tục bước đi.

3. Tập các động tác tự chăm sóc bản thân

Ngay từ giai đoạn nằm trên giường cho tới suốt quá trình phục hồi chức năng, song song với tập di chuyển, phải tập cho bệnh nhân tự làm các động tác tự chăm sóc hàng ngày. Người liệt nửa người vẫn có thể tự ăn uống, mặc quần áo, mang nẹp, viết chữ, đi tiểu tiện. Bệnh nhân có tay thuận bị liệt thì ban đầu họ sẽ làm những động tác này chậm, vụng về nhưng nếu kiên trì thì sẽ tiến bộ dần.

4. Tạo cho bệnh nhân thích nghi với các di chứng còn lại

+ Cần cải tiến các dụng cụ để người bệnh có thể sử dụng được như đệm cho cán thìa to ra, làm quai vào cốc nước để bệnh nhân luồn tay vào có thể giữ được cốc nước…

+ Cải tạo nhà ở phù hợp với khả năng sử dụng của người bệnh như lắp thêm tay vịn vào nhà vệ sinh, cải tạo nhà tắm phù hợp với người bệnh….

Để đạt được kết quả phục hồi chức năng cho người liệt nửa người có thể cần tới 12-18 tháng liên tục. Do vậy tính kiên trì và quyết tâm của người bệnh có vai trò rất quan trọng, cần có sự động viên và khuyến khích đúng của người thân và tập luyện đúng phương pháp. Cần tuân thủ các nguyên tắc của phục hồi chức năng, tập từ dễ đến khó, không nôn nóng. Mỗi động tác cần lặp lại nhiều lần để tạo lập phản xạ. Cần tập cân đối, giữ dáng đi đúng không lệch vẹo. Kết hợp giữa phục hồi chức năng vận động với phục hồi chức năng hoạt động, tạo sự hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Để đặt lịch tại phòng khám, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.